Không thể sửa xong sự cố đứt cáp quang biển AAG trong 1 - 2 tuần
"Khoảng 5 năm gần đây, trong số các tuyến cáp quang biển quốc tế thì AAG
là tuyến bị đứt cáp nhiều nhất. Việc sửa chữa không phụ thuộc vào bất kỳ
đơn vị nào của Việt Nam. Đã có lúc phải mất tới hơn 1 tháng mới sửa xong",
Tổng Giám đốc Netnam Vũ Thế Bình cho biết.
Như ICTnews đã đưa tin, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way)
bị đứt vào chiều ngày 20/12 cách Vũng Tàu khoảng 278km đang khiến cho việc trao
đổi thông tin đi nước ngoài như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… của người dùng
Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc VDC (nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam)
dự báo phải mất ít nhất khoảng một tuần thì tuyến cáp quang biển AAG bị đứt mới được
sửa chữa xong. Còn đại diện Viettel đưa ra dự kiến thời hạn sửa xong trong khoảng 2 tuần.
Tuy nhiên, trao đổi với ICTnews sáng nay, 22/12/2013, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc
Công ty Cổ phần Netnam khẳng định: "Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi lần đứt cáp AAG
thì không thể sửa xong trong vòng 1 - 2 tuần, có những lúc đã phải mất tới hơn 1
tháng vì việc sửa chữa, khắc phục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như địa điểm bị
đứt cáp, độ sẵn sàng của đội tàu đi sửa chữa (phải điều từ nơi khác đến), sự thuận
lợi của thời tiết,... Có thể ý của đại diện VDC-VNPT chỉ là trong 1 tuần có thể phục
hồi lưu lượng Internet bằng với mức trước khi có sự cố thông qua việc mở thêm
các hướng dự phòng chứ không phải là có thể sửa xong cáp trong 1 tuần.
Hiện mới có thông tin phán đoán nguyên nhân gây ra sự cố đứt cáp AAG lần
này là do tàu thả neo làm đứt cáp chứ cũng chưa có thông tin nào công bố chính
xác nguyên nhân. Việc sửa chữa cáp quang biển AAG không phụ thuộc vào bất kỳ
đơn vị nào của Việt Nam mà phụ thuộc vào đội quản lý cáp AAG".
Chia sẻ thêm với ICTnews về hiện tượng thời gian qua, "câu chuyện" đứt cáp AAG
diễn ra với tần suất khá liên tục, ông Vũ Thế Bình nói: "Khoảng 5 năm trở lại đây,
trong số các tuyến cáp quang biển quốc tế thì AAG là tuyến bị đứt cáp nhiều nhất.
Có những năm, tổng thời gian ảnh hưởng tới lưu lượng Internet quốc tế do sự cố
của AAG lên tới 2 - 3 tháng".
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, hiện tại, AAG là tuyến cáp quang biển thu hút rất
nhiều người dùng, một trong những lý do quan trọng là giá rẻ hơn các tuyến cáp quang
biển quốc tế khác. Về vấn đề thời gian xử lý, khắc phục sự cố của AAG không được
nhanh như kỳ vọng, có thể do khi cung cấp dịch vụ giá rẻ, để tối ưu hóa kinh doanh,
nhà cung cấp đã tiết giảm hoạt động dự phòng, nên khi bị đứt cáp phải mất thời gian
để khởi động hệ thống dự phòng.
Cho đến nay, là việc sửa cáp AAG vẫn đang "ngoài tầm tay" của các ISP Việt Nam.
Chưa có sở cứ hoặc nguồn tin nào khẳng định sự cố nghẽn mạng hoặc chậm truy
cập mạng Internet do đứt cáp quang biển AAG sẽ không còn tái diễn. Và người dùng
mạng Internet ở Việt Nam sẽ có thể tiếp tục phải chịu ảnh hưởng hạn chế dịch vụ do
đứt cáp quang biển AAG trong tương lai. Câu chuyện này liên quan đến chiến lược
đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc quốc gia, cần có sự "vào cuộc" của cơ quan quản lý.
Quay lại với câu chuyện sự cố đứt cáp AAG hiện tại, ông Vũ Thế Bình cảnh báo:
"Hôm qua và hôm nay, ảnh hưởng của sự cố đứt cáp có thể chưa rõ nét vì vẫn
đang là ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, ngày mai bắt đầu ngày làm việc của tuần mới,
khi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có nhu cầu cao trong việc sử dụng Internet
thì mới biết rõ tình hình "căng" đến đâu. Những sự cố như thế này cũng là dịp để chúng ta
chú ý hơn tới hạ tầng thông tin quốc gia".
Theo đại diện của VDC, việc đứt cáp AAG khiến cho Internet Việt Nam bị giảm khoảng 40%
lưu lượng quốc tế, (các giao dịch, kết nối trong nước không bị ảnh hưởng). Tính riêng 1
số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thì lãnh đạo Viettel cho biết sự cố này đã ảnh
hưởng tới 25 - 30% dung lượng của mạng Internet Viettel, còn đại diện Netnam cho hay
hoạt động cung cấp dịch vụ của Netnam cũng đã bị ảnh hưởng khi khoảng 30%
lưu lượng dịch vụ của NetNam đang chạy qua tuyến cáp quang biển quốc tế AAG.
Các ISP đang tích cực giải quyết sự cố bằng các giải pháp như sử dụng đường dự
phòng và các tuyến cáp quang đất liền.
Xuân Bách
theo ICTnews