Hotline bán hàng 24/7:
(028) 38.686.686
0916.310606
0886.001166
Báo sự số mạng: 18001166 (ext 1)
Ngày 27/4/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TT&TT cho ý kiến đối với đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) từ Bộ TT&TT về Viettel. Ngày 7/5/2015, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị Học viện tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT chứ không chuyển về Viettel như đề xuất của Bộ Quốc phòng.
Sẽ không sòng phẳng với VNPT khi chuyển Học viện về Viettel
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trước đây khi họp xem xét phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, Thường trực Chính phủ đã thống nhất cao việc tách Học viện ra khỏi Tập đoàn VNPT. Trên cơ sở đó, ngày 10/6/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, theo đó Học viện được chuyển từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT. Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định hiện hành của pháp luật.
Tập đoàn VNPT cũng như Tập đoàn Viettel là các tập đoàn kinh tế nhà nước với ngành nghề kinh doanh chính là viễn thông, CNTT, do đó việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục, y tế, trong đó có Học viện ra khỏi Tập đoàn VNPT theo quyết định của Thủ tướng là nhằm bảo đảm cho Tập đoàn VNPT có thể tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển Học viện thuộc Bộ TT&TT về Viettel theo đề nghị của Bộ Quốc phòng sẽ có nhiều bất cập và hệ lụy phải giải quyết gây phiền phức, tốn kém không cần thiết.
Tập đoàn VNPT đã dành rất nhiều tâm huyết, tiền của, công sức để gây dựng và phát triển Học viện. Mặt khác, khi còn là đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT, Học viện là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn, giúp Tập đoàn củng cố và ngày càng lớn mạnh. Mối quan hệ của VNPT với Học viện là mối quan hệ đặc biệt trong thời gian dài từ khi thành lập đến nay. Vì vậy, khi thực hiện tái cơ cấu, mặc dù VNPT hoàn toàn đủ nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển Học viện và cũng có nguyện vọng giữ lại Học viện nhưng Tập đoàn đã nghiêm túc chấp hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tách Học viện ra khỏi Tập đoàn nhằm bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty nhà nước).
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, nếu nay lại chuyển Học viện ra CNBCVT về Viettel, một tập đoàn có cùng ngành nghề kinh doanh tương tự như VNPT thì cán bộ công nhân viên VNPT không khỏi hoang mang, suy nghĩ có chút gì không bình đẳng, không sòng phẳng với Tập đoàn VNPT ở đây? Thêm vào đó, trong bối cảnh hai tập đoàn đang là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc điều tài sản, nguồn lực cả hữu hình và vô hình vốn sinh ra từ VNPT sang Viettel sẽ là việc làm không phù hợp với yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng mà Chính phủ đang chỉ đạo.
Phải xem xét kỹ tổng thể quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ICT
Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi đề xuất chuyển Học viện về Bộ TT&TT ngoài việc tạo điều kiện cho Tập đoàn tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho Học viện đào tạo nguồn nhân lực chung cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT và toàn ngành TT&TT chứ không chỉ riêng cho nhu cầu của VNPT. Mặc dù một số trường đại học cũng đào tạo kỹ sư về bưu chính, viễn thông, CNTT nhưng Học viện CNBCVT là học viện duy nhất của toàn ngành TT&TT có đầy đủ các chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản, truyền thông đa phương tiện cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao từ Cử nhân đến Tiến sĩ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Nếu chuyển Học viện về trực thuộc Viettel thì chắc chắn Học viện sẽ tập trung phục vụ chủ yếu cho nhu cầu đào tạo riêng của Viettel mà không phải cho toàn ngành (như công văn của Bộ Quốc phòng đã nêu là sẽ đào tạo mỗi năm 4.000 - 5.000 kỹ sư cho nhu cầu riêng của Viettel). Việc điều chuyển Học viện về Viettel là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng trong tổng thể quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TT&TT trong dài hạn, tránh phải giải quyết các hệ lụy không cần thiết.
Bộ TT&TT cho biết, sau khi có Quyết định 888/QĐ-TTg, trong gần 1 năm qua, Học viện đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng tự chủ hoàn toàn, không cần sử dụng kinh phí của nhà nước (trước khi chuyển về Bộ TT&TT, Học viện đã cơ bản tự chủ không cần VNPT hỗ trợ kinh phí) và đang có bước phát triển tốt. Giờ lại chuyển Học viện về Viettel thì quá trình tái cơ cấu đang theo đúng định hướng, chủ trương chung sẽ bị dang dở. Mặc khác, khi chuyển về Viettel chắc chắn Học viện CNBCVT - một cơ sở đào tạo dân sự phải tổ chức lại để xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Nếu làm vậy vừa tốn kém và xã hội mất đi một cơ sở đào tạo Đại học đang hoạt động tốt.
Ngoài ra, việc vẫn giữ mô hình Học viện đào tạo Đại học trong tập đoàn kinh tế nhà nước vô hình chung đi ngược lại và là một bước thụt lùi so với Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, giữ nguyên Học viện như hiện tại để tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, xây dựng thành Đại học trọng điểm quốc gia hoạt động theo cơ chế tự chủ phục vụ chung cho nhu cầu của xã hội và toàn ngành TT&TT là sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ trong tình hình hiện nay.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo là chính, Học viện cũng là cơ sở thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp ngành trong lĩnh vực TT&TT; giúp Bộ TT&TT tổ chức nghiên cứu, xây dựng thông tin; nghiên cứu việc triển khai các công nghệ dịch vụ mới cho toàn ngành. Do đó, việc có một đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT có năng lực và đội ngũ nghiên cứu khoa học như Học viện sẽ tạo điều kiện cho Bộ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một ngành công nghệ mũi nhọn như viễn thông, CNTT.
Nên xem xét chuyển các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng cho Viettel
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “chuyển trường đại học, học viện, viện nghiên cứu về Viettel để xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, CNTT và vũ khí quân sự”. Do đó, Bộ TT&TT cho rằng, việc lựa chọn trường đại học, viện nghiên cứu điều chuyển về Tập đoàn Viettel để xây dựng Trung tâm này cần phải phù hợp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm. Bộ Quốc phòng đang có nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo bậc Đại học như Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện kỹ thuật mật mã, Trường Đại học thông tin liên lạc, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự và nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác. Nếu lựa chọn một trong các đơn vị này hoặc một số viện nghiên cứu, khoa học đào tạo của các đơn vị trong quân đội chuyển về Viettel để xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, tạo điều kiện cho Viettel từng bước hình thành Tổ hợp công nghiệp quốc phòng sẽ nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều so với trường hợp chuyển và tổ chức lại một trường Đại học dân sự.
Sở dĩ Bộ TT&TT đưa ra đề xuất đó vì các đơn vị này đang trực thuộc Bộ Quốc phòng nên dễ tổ chức lại theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và Viettel; giáo viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý đều là sỹ quan, công nhân viên quốc phòng nên dễ điều động, luân chuyển, bổ nhiệm lại. Các đơn vị này có kinh nghiệm lâu năm trong đào tạo, nghiên cứu cho mục đích quân sự nên nhanh chóng dáp ứng những yêu cầu nghiên cứu, sản xuất các khí tài quân sự, nếu được Tập đoàn Viettel bảo đảm đủ kinh phí hoạt động.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng cho biết, trong mấy ngày qua lãnh đạo và các đơn vị chức năng cúa Bộ TT&TT liên tục nhận được điện thoại, đơn, thư của cán bộ công nhân viên trong ngành, kể cả của lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT qua các thời kỳ kiến nghị giữ nguyên Học viện trực thuộc Bộ TT&TT theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ